“Việc thu phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân không chỉ nhằm mục đích hạn chế xe cá nhân, mà số tiền thu được sẽ sử dụng vào nhiều mục đích khác nữa, như đầu tư nâng cấp và cải tạo hệ thống đường bộ, chi để thực hiện các giải pháp chống ùn tắc…”, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết vào chiều 3/1/2012.
Chiều nay (3/1), Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức họp báo năm 2011, vấn đề liên quan tới tăng một số khoản thu phí giao thông đường bộ đối với ôtô, xe máy liệu có giảm tai nạn và ùn tắc giao thông, với giải pháp này thì bao lâu nữa sẽ giảm được ùn tắc, tai nạn giao thông, phương tiện giao thông phải chịu nhiều loại phí như hiện nay liệu có dẫn tới lạm thu hay không…
Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, phí lưu hành để phục vụ nhiều mục đích khách nhau. |
Trả lời câu hỏi của báo chí, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, việc đề xuất thu phí lưu hành phương tiện cá nhân và thu phí lưu hành giờ cao điểm là căn cứ các Nghị quyết, Nghị định của Quốc hội, Chính phủ về các biện pháp giảm thiểu tai nạn giao thông, chống ùn tắc, hạn chế phương tiện cá nhân… bằng các giải pháp kinh tế, bây giờ chỉ là đưa vào triển khai cụ thể”.
“Hàng năm ngành giao thông có nhiều giải pháp giảm tai nan, hạn chế ùn tắc, nhưng tai nạn vẫn nhiều, ùn tắc vẫn phổ biển, nên phải có biện pháp mạnh mẽ, bằng hàng loạt giải pháp đồng bộ, trong đó có đề xuất thu phí”, Bộ trưởng Thăng nói.
Cũng theo Bộ trưởng Thăng, thông điệp của Thủ tướng Chính phủ, cũng như thông điệp của ngành giao thông là hành động và hành động. Không thể nói các giải pháp mà không hành động được. Quan điểm của Bộ Giao thông là khẩn trương quyết liệt và hiệu quả.
Về nguy cơ phí chồng phí, khi đã có Quỹ bảo trì đường bộ, phí trước bạ, phí môi trường, giờ lại thu thêm phí lưu hành, Bộ trưởng Thăng cho rằng, sẽ không có chuyện chồng chéo, thu phí như vậy để đảm bảo công bằng xã hội, người đi xe máy, ô tô phải có đóng góp để đầu tư hạ tầng. Phí bảo trì đường bộ dùng cho duy tu đường hàng năm, các Bộ đã thống nhất, giờ chỉ chờ Chính phủ ký thông qua. Dù có ban hành, Quỹ bảo trì đường bộ cũng chỉ đáp ứng khoảng 75% chi phí bảo trì, phần còn lại Chính phủ vẫn phải hỗ trợ.
“Xe máy chủ yếu là của người nghèo, nên Bộ chỉ đề xuất có 500 ngàn đồng/1 năm. Còn xe máy trên 175 phân khối chỉ dành cho dân chơi, còn người bình thường không đi xe như vậy, nên phí cho lại xe này áp dụng cao hơn gấp đôi (1 triệu đồng/năm)”, Bộ trưởng Thăng lý giải thích.
Giải đáp thắc mắc cho rằng tình trạng ùn tắc, quá tải chỉ xảy ra ở các thành phố lớn, nên việc hạn chế xe cá nhân chỉ nên áp dụng ở những nơi đó, nhưng việc thu phí lưu hành lại được áp dụng cả nước, như vậy những người sử dụng phương tiện giao thông ở các tỉnh, vùng sâu vùng xa vẫn phải trả phí, Bộ trưởng Thăng cho biết: “Việc thu phí lưu hành để sử dụng vào nhiều mục đích, nên người sử dụng phương tiện cá nhân phải có đóng góp cho đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, và thực hiện các giải pháp giảm tai nạn giao thông. Với các thành phố lớn, thường xuyên ùn tắc, đã có thu thêm phí vào nội đô”.
Về vấn đề sử dụng phí lưu hành, Bộ trưởng Thăng cho biết, số tiền thu phí sẽ nộp ngân sách nhà nước, và chi cho các dự án được các cấp thẩm quyền phê duyệt.
Cũng theo Bộ trưởng Thăng, việc thu phí sẽ có phân cấp, với ô tô sẽ thu phí qua các lần đăng kiểm phương tiện, sẽ do Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện; với xe máy sẽ do các tỉnh thực hiện, phương thức thực hiện, mức phí sẽ do Hội đồng Nhân dân các tỉnh tự quyết.
Theo VTCnews
Từ khoá liên quan:
- lệ phi giao thông