ội thảo triển lãm Tài chính Việt Nam (Vietnam Finance 2011) lần thứ 8 được khai tại KS Sheraton, Hà Nội với chủ đề: “Tái cấu trúc nền tài chính quốc gia: Thách thức chính sách và xu hướng liên kết – tích hợp” . Đây là sự kiện thường niên do Bộ tài chính phối hợp với Tập đoàn dữ liệu Quốc tế IDG tổ chức.
Bắt đầu từ năm nay 2011, để phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tiễn, Hội thảo triển lãm thường niên của ngành Tài chính được đổi thành Hội thảo triển lãm Tài chính Việt Nam (Vietnam Finance) với mục tiêu trở thành Hội thảo khoa học, mang lại nhiều kinh nghiệm và ý kiến đóng góp thiết thực.
Trong Chiến lược Tài chính giai đoạn 2011 – 2020, Bộ Tài chính đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực nghiên cứu, triển khai và ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tạo ra nhiều đột phá mới như việc phát triển dịch vụ tài chính công điện tử nhằm nâng cao hiệu quả công tác tài chính, giảm chi phí và nhân lực.
Việc lựa chọn chủ đề “Tái cấu trúc nền tài chính quốc gia: thách thức chính sách và xu hướng liên kết – tích hợp”, Bộ Tài chính cho rằng:
Thứ nhất , “Liên kết” không chỉ dừng ở nội bộ các đơn vị, hệ thống trong ngành Tài chính mà còn mở rộng liên kết với các Bộ, ngành khác. Điển hình là Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS).
Thứ hai , “Tích hợp” để tăng tiện ích phục vụ cộng đồng người dân và doanh nghiệp, điển hình như vào một Cổng có thể thực hiện nhiều dịch vụ công của nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau. Như vậy, ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin tại các hệ thống, ngành Tài chính còn cần tăng cường tích hợp giữa các ứng dụng để sớm hình thành nền tài chính chuyên nghiệp, hiệu quả, hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, thương mại trong nước và quốc tế.
Thứ ba , “Tái cấu trúc nền tài chính” là vấn đề quan trọng trong Chiến lược phát triển Tài chính 2010 – 2020 của Bộ Tài chính, bao gồm tái cấu trúc tài chính công, tái cấu trúc tài chính doanh nghiệp, tái cấu trúc tài chính dân cư.
Báo cáo tại phiên toàn thể, ông Vũ Nhữ Thăng, Viện trưởng Viện chiến lược và Chisnhh sách Tài chính, cho rằng: “Tiềm lực tài chính quốc gia đã được mở rộng và tăng cường ở cả ba cấp độ là tài chính nhà nước, tài chính doanh nghiệp và tài chính dân cư. Tuy nhiên, trong giai đoạn vừa qua cũng chỉ ra một số hạn chế trong huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, việc phân phối và sử dụng nguồn lực tài chính quốc gia còn thiên về phát triển theo chiều rộng, hiệu quả và sức cạnh tranh thấp, thị trường vốn phát triển còn ở mức độ khiêm tốn. “
Để thực hiện chiến lược tài chính 2010-2020, ông Thăng đề xuất nền tài chính quốc gia sẽ phải tập trung vào 5 trụ cột chính:
-
Giải phóng và huy động hiệu quả nguồn lực tài chính phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
-
Phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính cùng với quá trình nâng cao vai trò định hướng của nguồn lực tài chính nhà nước
-
Phát triển đồng bộ thị trường tài chính và dịch vụ tài chính để động viên các nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển kinh tế – xã hội.
-
Nâng cao năng lực và hiệu quả giám sát tài chính.
-
Đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực tài chính.
Tham gia thảo luận chủ đề này có sự góp mặt của các chuyên gia của các hãng công nghệ và giải pháp có tiếng trên thế giới như Oracle, Syncsort, Eaton, CapGemine…
Ông Will Rice, Giám đốc toàn cầu Fast Enterprise, đơn vị cung cấp giải pháp cho ngành thuế tại 25 quốc gia cho rằng Chính phủ rất quan tâm tới việc tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế. Đây là cơ hội để áp dụng giải pháp thu thuế, hoàn thuế dựa trên việc tích hợp công nghệ như việc khai báo và nộp thuế qua thiết bị di động như máy tính bảng, điện thoại thông minh…