Hoàng Lan
Đầu tháng 9, Công ty cổ phần Bất động sản Green Oasis tiếp tục mở bán giai đoạn II khu biệt thự sinh thái Green Oasis Villas tại Nhuận Trạch – Lương Sơn (Hòa Bình) với giá từ 1,5 tỷ đồng đến 2,5 tỷ đồng mỗi căn dưới dạng “chìa khóa trao tay”. Ngày 24/9, INT Group cũng chính thức chào bán dự án nghỉ dưỡng sinh thái Đồng Chanh 3 diện tích từ 400 đến 600 m2 với giá 1,36 triệu đồng mỗi m2.
Trong tháng tới, nhiều dự án cũng lần lượt trình làng. Đình đám nhất phải kể đến 500 lô nhà phố liền kề và biệt thự đơn lập thuộc khu đô thị Suối Son của Tập đoàn Đất Xanh. Trong ngày 1/10 tới, chủ đầu tư sẽ chính thức chào bán, mỗi lô có diện tích dao động quanh mức 100- 110 m2 với giá khoảng 300 triệu đồng.
Địa ốc Hà Nội phù hợp với đầu tư dài hạn hoặc nhu cầu thiết yếu.
Bắt đầu từ 15/10, Công ty Archi Land cũng chính thức chào bán 10 căn biệt thự nghỉ dưỡng Ngọc Viên Islands, dưới chân núi Tản Viên, Ba Vì. Dự kiến mỗi m2 trong mỗi căn hoàn thiện được chào với giá 15 triệu đồng. Có mức giá khoảng 15-17 tỷ đồng mỗi căn, song đại diện Công ty Archi Land cho hay, dự án với tiêu chuẩn 5 sao, tầm nhìn ra hồ nên giá khẳng định đẳng cấp, thương hiệu riêng. Thêm vào đó, lượng biệt thự bán ra không nhiều nên áp lực cũng được giảm bớt.
Không chỉ có biệt thự mà cả chung cư cũng lần lượt chào hàng. Ngày 7/10 tới, dự án Tòa tháp Ngôi sao (Star Tower) tại Cầu Giấy Hà Nội cũng được chính thức mở bán.
Nhiều nhà đầu tư cho rằng, hàng loạt dự án địa ốc tung hàng trong khi thị trường chưa khởi sắc là một quyết định mạo hiểm. Bởi thực tế, thị trường địa ốc Hà Nội trong thời gian qua chứng kiến sự giảm giá ồ ạt của phân khúc đất nền và chung cư. Nhiều dự án đình đám trên thị trường liên tục rớt giá cho thấy địa ốc Hà Nội vẫn còn đang đứng trước nhiều khó khăn khi nguồn vốn, phao cứu sinh của thị trường địa ốc tiếp tục bị siết.
Ngược lại, những người trong cuộc lại tỏ ra khá tự tin vào quyết định của mình. Ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đất Xanh miền Bắc (thành viên của Tập đoàn Đất Xanh), cho hay, trong vòng 2 tuần đã có khoảng 150 khách hàng hỏi mua. Do đó, thị trường không quá “đen tối” như tưởng tượng. Theo ông Quyết, điều quan trọng nhất để bán được hàng trong giai đoạn khó khăn là giá cả phải chăng, phù hợp với túi tiền khách hàng. Thêm vào đó, chủ đầu tư còn hỗ trợ khách hàng thông qua việc đóng tiền theo tiến độ, mỗi năm chia làm nhiều đợt khác nhau để giảm áp lực tài chính cho người mua.
“Chúng tôi hướng đến là những người dân có tiền nhãn rỗi khoảng trên dưới 300 triệu đồng. Trong bối cảnh thị trường còn khó, nếu chủ đầu tư tìm được đối tượng khách hàng riêng và có chiến lược đúng thì sẽ thành công”, ông Quyết cho hay.
Trong cuộc trả lời trực tuyến gần đây, ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương cũng lạc quan cho rằng, thị trường bất động sản Hà Nội vẫn là cơ hội cho đầu tư dài hạn và những người có nhu cầu thiết yếu. Tuy nhiên, địa ốc liên quan đến hệ thống ngân hàng, vốn cho lĩnh vực này vẫn bị thắt chặt nên rất khó để bừng nở trong ngắn hạn. “Tôi cho rằng, nếu lướt sóng bất động sản thì không nên, nhưng sẽ không tồi nếu để dành cho dài hạn hoặc nhu cầu thiết yếu”, ông Thành nhận định.
Ông Lê Xuân Trường, Giám đốc công ty cổ phần Bất động sản B.D.S cho hay, nhiều chủ đầu tư quyết định bán hàng ra vì các dự án đã xúc tiến từ khá lâu, nay đã đủ điều kiện bán. Họ cần vốn để xoay vòng đầu tư, thay vì việc ngồi đợi thị trường khởi sắc. Kinh tế vĩ mô đã có những chuyển biến tích cực, lãi suất ngân hàng giảm, cung tiền bớt căng thẳng hơn và nhờ vậy, địa ốc có thể hưởng lợi. Nhưng điều đó, không có nghĩa chủ đầu tư sẽ dễ dàng bán hết hàng, bởi thị trường nay đã thuộc về người mua, họ có nhiều lựa chọn hơn.
“Chủ đầu tư phải hạ thấp lợi nhuận kỳ vọng và sản phẩm phải tốt thì mới có thể bán được hàng. Người bán cũng không nên chờ đợi thêm vì sắp tới, nguồn cung tiếp tục tăng lên nhiều, sức cạnh tranh càng lớn hơn”, ông Trường nói.